Chương trình huấn luyện

Giới thiệu

Mục tiêu của Trung tâm bóng đá trẻ em YOUNG KIDS là đào tạo phát triển cầu thủ bóng đá trẻ thuộc một số nhóm tuổi sau:

  • Nhập môn: 5 - 8 tuổi
  • Cơ bản: 9 - 11 tuổi
  • Nâng cao: 12 - 14 tuổi
  • Chuyên sâu: 15 tuổi trở đi

Tài liệu này được xây dựng nhằm mục đích hướng dẫn và thống nhất trong việc dạy các kỹ năng bóng đá căn bản của trung tâm, giúp các bạn nhỏ tập luyện và hưởng thụ niềm vui chơi bóng, đồng thời xây dựng tinh thần thể thao cao thượng. Giai đoạn huấn luyện cơ bản có thể bắt đầu từ 5 tuổi và kết thúc khi các bạn nhỏ tròn 15 tuổi.

TRIẾT LÝ HUẤN LUYỆN

Bóng đá cộng đồng là bóng đá cho tất cả mọi người.

Đối tượng của huấn luyện là các bạn nhỏ từ 5 đến 15 tuổi thông qua các hoạt động tập bóng đá ở trung tâm bóng đá trẻ em YOUNG KIDS.

Có một điều chắc chắn rằng không phải toàn bộ các cầu thủ trẻ đều trở thành ngôi sao hay cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai. Vì vậy, các buổi tập cường độ cao với yếu tố chiến thuật phức tạp không phải là cách tiếp cận trong huấn luyện bóng đá cộng đồng. Trên tất cả, chúng ta mong muốn thấy các em mạnh khỏe và chơi đùa vui vẻ.

Bởi vậy, triết lý huấn luyện bóng đá cộng đồng tại trung tâm là sự kết nối, tinh thần đồng đội và sự vui vẻ.

Chương trình huấn luyện

KHÍA CẠNH CỐT LÕI TRONG PHÁT TRIỂN CẦU THỦ

  • Ý chí / tinh thần / thái độ
  • Nhận thức thi đấu
  • Thể chất
  • Kỹ thuật

VAI TRÒ CỦA HUẤN LUYỆN VIÊN

Nhiệm vụ chính của Huấn luyện viên là đảm bảo sự phát triển của các em về các mặt thể thao, xã hội, tâm lý. Huấn luyện viên có kiến thức nền về huấn luyện bóng đá và làm việc với các cầu thủ nhí. Đương nhiên, mức độ hiểu biết và kiến thức của mỗi cá nhân là khác nhau. Dẫu vậy, Huấn luyện viên cần nắm được nội dung thông điệp cần truyền tải thông qua hoạt động huấn luyện bóng đá cộng đồng.

Thắng hay thua không thể so sánh được với việc bóng đá tôn vinh các giá trị nhân văn và các giá trị xã hội. Bóng đá trợ giúp cho việc đào tạo những công dân tương lai và khuyến khích các bạn nhỏ tham gia vào các hoạt động xã hội. Bóng đá là phương tiện tuyệt vời để truyền tải các giá trị về sự tôn trọng, đoàn kết và sẻ chia.

Một nhiệm vụ nữa về cơ bản là truyền tải kiến thức và kỹ năng xã hội. Để làm được điều này, Huấn luyện viên cần hiểu về trẻ em, hiểu về đặc điểm tính cách và luôn lưu ý đến độ tuổi cũng như các kỹ năng hiện có.

Tóm lại, Huấn luyện viên cần phát triển các bạn nhỏ thông qua phương pháp khích lệ.

Vui chơi là hoạt động chính và cũng là nhu cầu căn bản, thiết yếu ở trẻ nhỏ. Vì vậy, các mục tiêu chính của bóng đá cộng đồng là tạo cơ hội cho trẻ em chơi bóng, khuyến khích các bạn tập luyện thông qua hình thức chơi bóng.

Phương pháp giảng dạy

1. Chuẩn bị và tổ chức một buổi tập:

  • Lên kế hoạch các buổi tập.
  • Lựa chọn các bài tập phù hợp với lứa tuổi và khả năng của các em.Thiết lập không gian chơi bóng phù hợp.
  • Tổ chức các bài tập và các trận thi đấu: chia áo tập, di chuyển và xoay vòng các cầu thủ, …
  • Thời gian và số lần lặp lại của các bài tập; Thời gian nghỉ, uống nước cho các em.
  • Làm mẫu bài tập / có thể sử dụng cầu thủ giỏi để làm mẫu.
  • Dạy thông qua động viên, khuyến khích.
  • Theo dõi và đánh giá.

2. Kết luận buổi tập:

  • Căng cơ cho các con sau mỗi buổi tập (nếu thấy cần thiết)
  • Đưa các em ra về cùng nhau và giúp các em thư giãn.
  • Trao đổi, trò chuyện, đưa ra những lời khuyên cho các con.

TÍNH CÁCH TRẺ EM VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN TRONG HUẤN LUYỆN

Trong giai đoạn phát triển, trẻ em trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi trẻ em phát triển khác biệt, có nhu cầu và cách xử sự khác nhau. Vì vậy, ta cần phải nắm rõ nét tính cách đặc trưng và ưu tiên của từng giai đoạn tuổi thơ và thiếu niên, đồng thời tính đến các yếu tố về thể chất và tâm sinh lý. Huấn luyện viên kiêm người thầy cần nhận thức rằng trẻ em không phải phiên bản người lớn thu nhỏ. Cần chú ý tới các giai đoạn lớn lên và phát triển của trẻ nhỏ để đảm bảo cách tiếp cận phù hợp nhất.

Huấn luyện viên kiêm người thầy có trách nhiệm hiểu rõ những điểm thiết yếu này, và đưa ra cách xử lý phù hợp cho từng trường hợp.

Cần chú ý tới sự phát triển thể chất của từng cầu thủ trẻ, và phân biệt giữa tuổi thực tế và tuổi phát triển thể chất.

Bên cạnh đó, một số trẻ em bắt đầu chơi bóng ngoài độ tuổi từ 6 đến 8, thời điểm phần lớn trẻ em bắt đầu tập luyện. Vì vậy, huấn luyện viên kiêm người thầy cần hiểu rõ trình độ của các em, và có cách tiếp cận tích cực để động viên các em nhỏ tiếp thu.

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CẦU THỦ QUA THI ĐẤU

Đôi lúc chúng ta suy nghĩ rằng những thành tích, thành công chỉ đơn thuần phụ thuộc vào màn trình diễn của các cầu thủ. Đây là một suy nghĩ quá giản đơn. Cuộc chơi là thành quả từ mối quan hệ giữa các cầu thủ với nhau, và giữa cầu thủ với những người đào tạo, rèn rũa họ.

Khả năng dẫn dắt:

Mỗi đội bóng đều cần có thủ lĩnh - có thể là huấn luyện viên và một trong số các cầu thủ. Cầu thủ là thủ lĩnh về tinh thần, với cá tính mạnh mẽ và khả năng thể hiện uy quyền, và anh là cầu nối giữa huấn luyện viên và các đồng đội. Tuy vậy, hình mẫu như trên vốn hiếm gặp. Vì thế, cần xây dựng hình mẫu kể từ khi cầu thủ còn trẻ tuổi.

Đội bóng:

Có 7 hình mẫu cầu thủ trong một đội bóng: người dẫn dắt, người ghi bàn, người giữ nhiệt ("lá phổi" của đội bóng), người kiến thiết, tiền vệ đa năng, cầu thủ hỗ trợ và người bảo vệ. Hiệu suất thi đấu của đội sẽ tăng cao nếu ta tối ưu hóa được sự tương tác giữa những mắt xích kể trên. Dù đây là yếu tố quan trọng, nhưng vấn đề này liên quan hơn tới giai đoạn đào tạo đại cương trong quá trình phát triển cầu thủ.

Kỹ năng chiến thuật:

Trong trận đấu, có những thời điểm đội bóng phải thay đổi sơ đồ chiến thuật. Vì vậy, cầu thủ trẻ trong tương lai phải hiểu sâu sắc những yếu tố về chiến thuật. Rõ ràng, việc đào tạo cầu thủ về những điều trên là yếu tố chủ chốt trong quá trình phát triển. Tuy vậy, cần nhắc lại rằng, dù đây là những yếu tố quan trọng, nhưng chúng liên quan hơn đến giai đoạn đào tạo đại cương, trong khi ở giai đoạn đào tạo nền tảng, ta mới chỉ đưa vào những yếu tố căn bản của hệ thống 4 khía cạnh cốt lõi phát triển cầu thủ (4 cột trụ).

Tinh thần:

Là khía cạnh đòi hỏi phát triển rất nhiều yếu tố. Vì vậy trong phát triển cầu thủ cần tính toán sự đồng đều của: Kỹ thuật, chiến thuật và tâm lý.

Huấn luyện:

Về cơ bản, hiện nay tồn tại 4 phương thức huấn luyện như sau: Huấn luyện tự do (không đưa hướng dẫn cụ thể), Chỉ đạo (đưa hướng dẫn cụ thể và yêu cầu làm theo chính xác hướng dẫn đó), và Huấn luyện sáng tạo (đưa gợi ý, nhưng không thúc ép). Bóng đá trong tương lai đòi hỏi nhiều hơn sự kết hợp giữa huấn luyện sáng tạo và chỉ đạo. Đây chính là hình thức huấn luyện thứ tư: "Huấn luyện Định hướng" (đưa chỉ đạo về chủ điểm, tuy nhiên cầu thủ được tự do sáng tạo để đạt thành quả). Ý nghĩa của hình thức huấn luyện sáng tạo là để đưa ra hiều giải pháp khác nhau cho từng tình huống hay bài tập, từ đó giúp cầu thủ tự kiểm soát tình hình. Vì thế, với phương thức này, huấn luyện viên không phải "cầm tay chỉ việc", còn việc các cầu thủ thể hiện sự sáng tạo trong các buổi tập sẽ tạo hiệu ứng tương tự trong thi đấu.

BÓNG ĐÁ CỘNG ĐỒNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA CẦU THỦ